QĐND - Thứ Ba, 31/03/2009, 10:41 (GMT+7)
QĐND Online - Là một tuyến đường sắt - bộ song hành dài hơn một trăm km, nối cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội, đường số 5 được xây dựng từ thập kỷ đầu của thế kỷ 20 với ý đồ triệt để khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đường số 5 có một vị trí chiến lược bậc nhất trên chiến trường Bắc Bộ và vì thế nó trở thành chiến trường sôi động, nóng bỏng, đẫm máu, thường xuyên giành đi giật lại giữa ta và địch.
Về phía địch, cùng với ý nghĩa chính trị, kinh tế, chúng coi đường số 5 là tuyến đường có tầm quan trọng đặc biệt trong vận tải quân sự, “Cái yết hầu duy nhất để nối “cổ họng”- cảng Hải Phòng với “dạ dày”- Hà Nội” và trong chiến lược chung của Bộ Chỉ huy quân đội Pháp. Vì thế, ngay từ khi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đến khi kết thúc chiến tranh (1954), địch luôn coi việc giữ bằng được tuyến đường 5 là nhiệm vụ đặc biệt, không một phút lơi lỏng.