QĐND - Thứ Ba, 31/03/2009, 10:41 (GMT+7)
Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/118/118/118/50512/Default.aspx
QĐND Online - Là một tuyến đường sắt - bộ song hành dài hơn một trăm km, nối cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội, đường số 5 được xây dựng từ thập kỷ đầu của thế kỷ 20 với ý đồ triệt để khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đường số 5 có một vị trí chiến lược bậc nhất trên chiến trường Bắc Bộ và vì thế nó trở thành chiến trường sôi động, nóng bỏng, đẫm máu, thường xuyên giành đi giật lại giữa ta và địch.
Về phía địch, cùng với ý nghĩa chính trị, kinh tế, chúng coi đường số 5 là tuyến đường có tầm quan trọng đặc biệt trong vận tải quân sự, “Cái yết hầu duy nhất để nối “cổ họng”- cảng Hải Phòng với “dạ dày”- Hà Nội” và trong chiến lược chung của Bộ Chỉ huy quân đội Pháp. Vì thế, ngay từ khi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đến khi kết thúc chiến tranh (1954), địch luôn coi việc giữ bằng được tuyến đường 5 là nhiệm vụ đặc biệt, không một phút lơi lỏng.
Về phía ta, nhận thức rõ tầm quan trọng của tuyến đường 5 trong chiến lược của cả ta và địch nên trong suốt quá trình chỉ đạo tác chiến, Bộ Tổng Chỉ huy và Bộ Chỉ huy cấp khu đã trao cho Mặt trận đường số 5 những nhiệm vụ cụ thể, ở những thời điểm nhất định để thực hiện yêu cầu chiến lược của từng thời kỳ kháng chiến.
Ngay trong ngày đầu tiên Toàn quốc kháng chiến, Chiến khu 3 được giao nhiệm vụ cùng tự vệ đánh địch ở thị xã Hải Dương, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, phá hoại đường số 5, đánh quân tiếp viện, cắt đứt giao thông của địch từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trong đêm đầu nổ súng, Trung đoàn 44 tiến công nhanh chóng, tiêu diệt bọn địch ở Trường nữ học và cầu Phú Lương. Nhưng sau đó địch đã phản kích chiếm lại cầu, kiểm soát việc đi lại. Trước tình hình đó, cấp ủy Đảng các địa phương đã chủ trương: “bám đất, bám dân, bám đường, bám địch”, “ngày địch làm chủ đường, đêm ta làm chủ đường” và cài đảng viên, cán bộ, du kích trà trộn cùng hồi cư với nhân dân. Nhờ bám sát và tích cực vận động quần chúng, ở hầu hết các địa phương, ta đã dần dần tranh thủ được dân, khôi phục được cơ sở, củng cố lực lượng kháng chiến trong vùng mới hồi cư, hạn chế sự cướp bóc của địch, tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh dưới nhiều hình thức và bắt đầu hoạt động vũ trang, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích nảy nở và phát triển. Nhiều nơi bắt đầu xuất hiện những trận đánh của chiến tranh du kích. Cùng với các hình thức như đánh tỉa, đặt mìn, chông, cạm bẫy, hóa trang đánh giặc giữa chợ, quấy rối vị trí, chống càn, du kích đã có những trận đánh có tính chất “giao thông chiến” như giật mìn đánh xe (Phố Nối, Cầu Điềm, Ái Quốc…), phục kích đánh địch đi tuần đường, gác đường, lật tháo đường ray, đào phá đường bộ và nhiều khi chỉ với sắt vụn chôn dưới lòng đường để làm nhiễu loạn máy dò mìn của địch, du kích cũng có thể làm cản trở giao thông của chúng. Đặc biệt nổi lên là hình thức đánh mìn, phá tàu xe, trong đó chiến công của những chiến sĩ gan góc, những “vua mìn” đường 5 như Sáu Đậu, Tý Găng…
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp “thực hành rút lui” và do vậy đường 5 có một tầm quan trọng mới. Trong thế thua và trước tâm lý bại trận, địch trút bom đạn xuống ven tuyến đường 5 (cả đường sắt và đường bộ) rất điên cuồng và ra sức càn quét, cướp bóc nhân dân trước khi rút chạy. Quân và dân đường 5 không quản ngại hy sinh trước giờ thắng lợi, đã đẩy mạnh tác chiến để bảo vệ nhân dân, vừa vận động binh lính làm tan rã hàng ngũ địch. Trong thời kỳ này, ta tập kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn Âu Phi ở Lương Xá (Mỹ Hào, Hải Dương), diệt 200 địch ở Lai Khê (Kim Thành, Hải Dương), bức hàng các vị trí Vân Thái, Bình Hà, tập kích diệt gọn tiểu đoàn Âu Phi đóng ở ngoài làng Vọc, làng Sãi… Đồng thời, lực lượng vũ trang cùng nhân dân vận động binh lính địch phản chiến ra hàng, làm chúng rã ngũ hàng loạt tại Bần Yên Nhân, Di Sử, Phương Điếm… Riêng hai huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, chỉ tính trong tháng 7-1954, đã đón được 1.400 sĩ quan và binh lính địch, đem theo 14 ô tô và nhiều súng đạn ra hàng. Trước giờ ngừng bắn có hiệu lực, lực lượng địch trên hành lang đường sắt và đường bộ trên tuyến đường 5 còn rất đông, nhưng thật sự đã là một đội quân bại trận, rệu rã và không còn sức chiến đấu.
Ngày nay, tuyến đường 5 đã và đang được mở rộng và hiện đại hóa để phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Con cháu của những người du kích đường 5 khi xưa đang phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, đang hăng hái lao động sản xuất, công tác… xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.
HÀ THÀNH
Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/118/118/118/50512/Default.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét